Đây được xem là niềm tự hào của Châu Á, khi lọt vào danh sách những bộ phim lừng lẫy mà không cần Hollywood đánh giá.
Nào, cùng "Tin Hoạt Hình Chân Gỗ" khám phá nhé!
FanPage: Blog hình ảnh Ghibli đẹp
1. Spirited Away (2001)
Bộ phim của đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki kể câu chuyện về cô bé 10 tuổi - Chihiro - đi lạc vào vùng đất thần linh khi đang trên đường cùng gia đình chuyển đến thành phố mới. Tại đó, cô dũng cảm đấu tranh để cứu cha mẹ mình khỏi các linh hồn ma quỷ đồng thời làm quen và kết thân với những người bạn lương thiện mới.
Vào thời điểm phát hành, Spirited Away đã vượt qua cả Titanic để trở thành bộ phim thành công nhất trong lịch sử phòng vé Nhật Bản với doanh thu kỷ lục 247 triệu USD. Bộ phim cũng mang về cho xứ sở hoa anh đào một giải Oscar cho “Phim hoạt hình hay nhất” tại Oscar lần thứ 75 và giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin năm 2002. Cho đến nay, Spirited Away vẫn nằm trong Top 10 của danh sách bình chọn “50 phim bạn nên xem khi ở tuổi 14”.
2. Mary and Max (2009)
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một người bị mắc chứng Asperger (chứng rối loạn tự kỷ) và một tình bạn bền bỉ, lâu dài. Mary khi ấy 8 tuổi, sống ở vùng ngoại ô Melbourne (Australia) một ngày vô tình tìm thấy người bạn tâm giao là Max - ông già béo phì, 44 tuổi, người Do Thái, sống cô độc tại New York, Mỹ nhờ cuốn danh bạ điện thoại của gia đình.
Hai người trở thành bạn qua thư suốt nhiều năm liền. Tình bạn ấy trở thành động lực lớn lao an ủi hai số phận đáng thương, hai tâm hồn cô độc, bất kể cho đến cuối đời, họ cũng không kịp gặp nhau. Mary and Max đánh dấu sự trở lại của đạo diễn người Australia - Adam Elliot - sau giải Oscar cho Harvie Krumpet (2004). Bộ phim không chỉ được nhớ đến bởi câu chuyện cảm động mà còn được đánh giá cao bởi công nghệ Stop Motion hoàn hảo dành cho phim hoạt hình đất sét.
3. Ernest and Celestine (2012)
Nằm trong danh sách đề cử hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất” tại Oscar lần thứ 86, Ernest and Celestine của nhóm đạo diễn Stéphane Aubier, Vincent Patar, Benjamin Renner là câu chuyện cổ tích thời hiện đại về tình bạn giữa loài chuột và gấu. Chú chuột mồ côi đáng thương Celestine và chú gấu Ernest lang thang, cô độc đã gặp nhau trong một phi vụ đột nhập kho lương thực của cửa hàng và trở thành đồng phạm chạy trốn trước sự truy đuổi của cảnh sát.
Sử dụng tranh vẽ tay và màu nước, Ernest và Celestine gợi cho người xem về những cuốn truyện tranh nhạt màu thời xưa, thường được đọc trước khi đi ngủ hoặc trong những bài tập đọc đầu đời. Với hàm ý ngụ ngôn sâu sắc về tính giai cấp, tình đồng loại, bộ phim một lần nữa chứng minh định đề: “Phim hoạt hình không chỉ dành cho trẻ con” hay “truyện cổ tích cũng có khi cứu rỗi trái tim người lớn”.
4. Persepolis (2007)
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn truyện tranh cùng tên của nhà văn Iran Satrapi, kể về người phụ nữ vĩ đại trong lịch sử Iran, đi qua cuộc Cách mạng Hồi giáo với ước mơ trở thành triết gia thông thái, cứu rỗi nhân loại.
Thông qua số phận của một người con ưu tú, bộ phim khắc hoạ nỗi thống khổ cùng cực của dân tộc Iran trong chiến tranh, khi các phe nổi dậy nắm chính quyền, người dân phải chịu cảnh đau thương, ly tán. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về bộ phim, nhìn chung, khó ai có thể phủ nhận tính nghệ thuật và chất thơ đầy cảm xúc của bộ phim về một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường.
5. The Grave of the Fireflies (1988)
Lấy bối cảnh nước Nhật hoang tàn, đổ nát cuối Thế chiến II, bộ phim kể câu chuyện cảm động về số phận của hai anh em mồ côi, lưu lạc không gia đình tại một vùng quê yên bình của nước Nhật. Cuộc vật lộn để sinh tồn và tình anh em gắn bó, khăng khít cho đến phút cuối trong phim đã khiến không ít người xem rơi nước mắt.
Không ồn ào và cũng không cường điệu, bóng dáng của chiến tranh chỉ lướt qua bộ phim như một cái chớp mắt cướp đi tất cả gia đình, người thân của những con người nhỏ bé nơi đây và để lại một nỗi đau dài, hắt hiu trên những cuộc đời lang bạt. Không gian thanh bình, tĩnh lặng của nước Nhật một lần nữa trở thành bối cảnh hoàn hảo cho câu chuyện buồn về tình cảm gia đình - một trong những giá trị văn hoá đặc trưng nhất của xã hội phương Đông.
6. Waltz With Bashir (2008)
Với hình thức độc đáo của một bộ phim giả tài liệu, Waltz With Bashir là những dòng hồi tưởng của chính đạo diễn Ari Folman và những người đồng đội của mình về năm 1982, khi ông còn là người lính bộ binh trong lực lượng quốc phòng Israel.
Một trong những trận chiến khủng khiếp nhất được tái hiện là trận truy kích vào đêm tháng 9/1982, khi đội quân Ki tô giáo cùng hơn 3000 người tị nạn Palestine bị lính Israel bao vây. Dưới bàn tay dàn dựng tài hoa, đạo diễn Ari Folman đưa người xem du hành qua thời gian, trở về với những năm tháng khốc liệt nhất trong cuộc đời ông bằng hình ảnh động, những mảnh ghép của ký ức, ảo giác và những giấc mơ.
7. The Illusionist (2010)
Được vinh danh ở hạng mục “Phim hoạt hình hay nhất” tại Oscar lần thứ 83, The Illusionist của đạo diễn người Pháp - Sylvain Chomet - đã khiến khán giả thích thú bởi một đề tài luôn hấp dẫn - ảo thuật. Bộ phim kể về một ảo thuật gia người Pháp và cuộc gặp gỡ với cô gái trẻ đã thay đổi cuộc đời ông trong chuyến du ngoạn tới Scotland.
Với lối kể chuyện hấp dẫn, tạo hình nhân vật gần gũi, giản dị, bộ phim được cho là lời nhắn gửi của chính tác giả tới người con gái ông hết mực yêu thương nhưng “chưa được công nhận” của mình. Những suy tư về ý nghĩa của sự sống, về tham vọng và hư danh ở cuối con dốc của cuộc đời qua câu chuyện của vị ảo thuật gia già gợi cho người xem nhiều suy ngẫm.
8. The Secret of Kells (2010)
“Đơn giản và kỳ diệu” là điều nhiều khán giả sẽ thốt lên khi nhắc tới câu chuyện cổ tích ấn tượng và đầy thi vị này. Người xem sẽ mãn nhãn với những màn trình diễn sống động và màu sắc trong một thế giới cổ tích nằm sau trang sách về các huyền thoại được chiếu sáng bởi Kinh Thánh hay Thần thoại Bắc Âu…
Hoàn hảo và tinh tế đến từng chi tiết, The Secret of Kells sinh ra để chinh phục những trái tim luôn tin vào phép màu và những tâm hồn không tuổi.
9. Howl’s Moving Castle (2004)
Bộ phim kể về cô Sophie - cô gái lương thiện 18 tuổi bị lời nguyền biến thành bà lão 80 tuổi. Trong cuộc hành trình đi tìm thần chú hóa giải lời nguyền, Sophie bước vào một tòa lâu đài bay và một thế giới kỳ diệu với những khám phá bất ngờ.
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Diana Wynne Jones và được xếp vào danh sách những bộ phim thương mại thành công nhất trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản với doanh thu 231,7 triệu USD trên toàn thế giới.
10. Sita Sings the Blues (2008)
Bộ phim dựa theo sử thi Ramayana nổi tiếng của Ấn Độ với câu chuyện cảm động về nàng Sita xinh đẹp, tài hoa nhưng phải chịu cái kết xót xa, oan ức. Sử dụng chủ yếu kỹ thuật đồ họa 2D trên máy tính và Flash Animation, bộ phim chuyển hóa thành công một bi kịch sử thi đồ sộ sang một hình thức nghệ thuật mới, sinh động và hấp dẫn hơn đối với thế hệ hôm nay.
“Một câu chuyện của sự thật, công lý và tiếng kêu của người phụ nữ đòi quyền bình đẳng” - khán giả sẽ tìm thấy tư tưởng hết sức nhân văn ấy được đạo diễn kiêm nhà biên kịch người Mỹ Nina Paley gửi gắm qua bộ phim.
Nguồn: vnexpress
THEO DÕI BLOG THƯỜNG XUYÊN NHÉ!!
TA CÓ ĐAM MÊ, TA LÀM TẤT CẢ!
Blogger: Võ Thành Tiến